TP.HCM sẽ có nghị quyết chấn chỉnh nhà trái phép

(PL)- UBND TP.HCM kiến nghị không cấp số nhà, không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng…

TP.HCM sẽ có nghị quyết chấn chỉnh nhà trái phép

Sáng 8-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị lần thứ 30 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã điểm lại tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh đến việc kinh tế tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng (sáu tháng đầu năm tăng 7,76% so với cùng kỳ). Đầu tư nước ngoài tăng 20% trong khi cả nước giảm so với cùng kỳ. Ông Nhân cho rằng từ các chính sách được đưa ra bước đầu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin và họ đến nhiều hơn.

Một trong những điểm nhấn sáu tháng đầu năm mà TP.HCM đạt được, theo ông Nhân, đó là giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mặc dù vẫn còn khiếu kiện ở Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và những vấn đề khác. “Trong lúc chờ trung ương kết luận về Thủ Thiêm thì chúng ta đã gặp người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân Thủ Thiêm và sắp tới sẽ trình HĐND TP” – ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng cho biết TP.HCM đã sơ kết công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội năm 2018, qua đó đã xác định được chín nguy cơ trong tình hình hiện nay và triển khai giải pháp đồng bộ.

Người đứng đầu Thành ủy cũng cho biết kết quả thứ ba mà TP đạt được là thông qua Nghị quyết 54 của Quốc hội về chính sách thu nhập tăng thêm đã tạo sự động viên, động lực rất lớn cho cán bộ, công chức làm việc. UBND TP cũng đã có nhiều giải pháp đột phá trong cải cách hành chính như phòng họp không giấy, ứng dụng nhắc việc tức thời, sơ kết ghi nhận sự đánh giá hài lòng của người dân về bộ máy chính quyền…

Ngoài ra, TP.HCM cũng đã xác định 120 dự án chậm, Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP phân loại ra, khẳng định đại đa số tiếp tục triển khai các dự án và có cơ chế khắc phục khó khăn.

TP.HCM sẽ có nghị quyết chấn chỉnh nhà trái phép - ảnh 1
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM sáng 8-7. Ảnh: T.LÂM

Trật tự xây dựng có vấn đề

Trong phát biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân dành nhiều thời gian nói về những hạn chế và tồn tại cần tập trung tháo gỡ, trong đó có công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP vì “đang có vấn đề”. Sáu tháng đầu năm, toàn TP có 1.640 trường hợp vi phạm, trong đó 616 trường hợp xây dựng không phép, chiếm 37%.

Theo ông Nhân, xây dựng không phép, sai phép (trái phép) không những không giảm mà còn phổ biến và đó là thách thức cần chấn chỉnh đến nơi đến chốn. “Vừa qua đã tổng rà soát nhanh về xây dựng không phép, sai phép trên toàn TP. Trên cơ sở rà soát sơ bộ này đã xác định được nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục” – ông Nhân nói và yêu cầu trong tháng 7-2019, các quận ủy, huyện ủy phải có nghị quyết chuyên đề chấn chỉnh vi phạm xây dựng trái phép trên địa bàn mình. Trong đó, nghị quyết phải nêu được các giải pháp cụ thể và nêu rõ trách nhiệm không chỉ có chủ tịch quận, huyện mà còn có vai trò của cả bí thư quận, huyện.

“Lần này có cơ hội để chấn chỉnh” – ông Nhân nói và cho biết mục đích đặt ra đến đại hội Đảng ở các quận, huyện là trật tự xây dựng phải được thiết lập lại, chấn chỉnh và khắc phục. Bởi vì đây là vấn đề đã kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Công trình không phép tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành vẫn nhiều, người dân đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để phân lô, bán nền xây nhà trên đất nông nghiệp gây nhiều hệ lụy. Địa bàn xảy ra vi phạm tập trung ở các quận 2, 12, Bình Tân, huyện Củ Chi và Bình Chánh.

“Có tình trạng xử lý không nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng” – ông nói.

Về nguyên nhân, ông Hoan cho là ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao. Một số cấp ủy cơ sở chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quản lý trật tự xây dựng; chưa chủ động đấu tranh, tuyên truyền, vận động, phát hiện, ngăn chặn vi phạm trong hoạt động xây dựng. “Xây dựng không phép một phần do địa phương quản lý không chặt, công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ còn hạn chế” – ông Hoan nói.

Ông cho hay là UBND TP sẽ tập trung xử lý các công trình vi phạm. Một trong những giải pháp mạnh tay được UBND TP đưa ra là đề nghị ngưng cung cấp điện, nước cho các công trình vi phạm. “Ban cán sự Đảng UBND TP kiến nghị không cấp số nhà, không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định xử lý” – ông Hoan nói.

Bên cạnh đó, TP sẽ xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ; xử lý nghiêm các đầu nậu vi phạm, cần thiết cần chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Về lâu dài, TP.HCM sẽ hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng, trong đó Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các quận, huyện rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để điều chỉnh phù hợp, làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.

Thảo luận bốn vấn đề quan trọng

Theo chương trình, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận đề cương xây dựng các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI; báo cáo kết quả giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy đối với 19 nội dung về phát triển kinh tế-xã hội; cho ý kiến nhiệm vụ kinh tế – văn hóa – xã hội sáu tháng đầu năm, triển vọng hoàn thành kế hoạch năm 2019 và nhiệm kỳ 2015-2020.

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận và cho ý kiến về kết quả thực hiện bảy chương trình đột phá, đề án đô thị thông minh và kết quả thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tình hình thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy… 

Bảy điểm nghẽn dài hạn

Ngoài quản lý xây dựng, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra nhiều yếu kém khác. Cụ thể như yêu cầu biến rác thành điện đã được nêu ra từ cuối năm 2017 nhưng việc triển khai rất chậm. Hiện nay hai nhà máy xử lý rác trên địa bàn TP.HCM đang chủ động chuyển đổi công nghệ xử lý sang biến rác thành điện. Ba dự án khác biến rác thành điện cũng đang được triển khai.

Do đó, ông Nhân đề nghị UBND TP cần rà soát để đến tháng 10-2019 khởi động hai dự án biến rác thành điện, đến năm 2020 sẽ có năm dự án triển khai thực hiện. “Với sự quyết liệt, thực hiện đúng quy trình thì TP có triển vọng đạt được chỉ tiêu 50% lượng rác trên địa bàn được xử lý thành điện vào cuối nhiệm kỳ” – ông Nhân nói.

Một số hạn chế khác mà ông Nhân chỉ ra như tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện chỉ đạt khoảng 20% là rất thấp (chỉ tiêu đến cuối năm giải ngân không dưới 95%); quy mô vốn đầu tư nước ngoài thấp, sáu tháng đầu năm toàn TP có gần 600 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 540 triệu USD. Như vậy, bình quân một dự án chưa đến 1 triệu USD…

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra bảy điểm nghẽn dài hạn và một thách thức kìm hãm sự phát triển của TP cần phải tập trung khắc phục. Trong đó có công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch không theo kịp sự phát triển; trực tiếp cản trở phát triển kinh tế chính là tắc nghẽn giao thông, bất cập về quản lý tài chính công…

TP.HCM sẽ hạn chế tạo ra sự chênh lệch địa tô

Báo cáo về danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã đưa ra danh sách nhiều dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong những năm tới như tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, cầu Thủ Thiêm 2…

Do việc triển khai các dự án thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, ông Hoan cho biết UBND TP sẽ tập trung năm giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh đến việc hạn chế tình trạng Nhà nước đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhưng lại nâng cao giá trị đất đai cho doanh nghiệp, dẫn đến chênh lệch địa tô. Đối với các dự án TP phải trực tiếp xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, trong quá trình tổ chức quy hoạch, phê duyệt dự án cần phải có tầm nhìn tổng thể để thực hiện thu hồi đất, đảm bảo các tiêu chí khác nhau và hạn chế tạo ra sự chênh lệch địa tô.

TP sẽ xây dựng phương án giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường để đảm bảo tính khả thi, công bằng cho người dân, trong đó phải tính đúng, tính đủ các chi phí, thiệt hại mà người dân phải gánh chịu ngoài chi phí bồi thường về đất như vấn đề sinh kế, việc học, việc làm, đi lại, thời gian cần thiết để các hộ dân ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi đối với các hộ dân. 

Theo Plo.vn