- 04/03/2019
- Danh mục Tin tức
Từ ngày 1/1/2018, Quyết định 60/2017 (QĐ 60) do UBND Tp.HCM ban hành quy định diện tích tối thiểu để tách thửa trên địa bàn thành phố chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực thi, người dân muốn tách thửa vẫn phải chờ các quận/huyện cho đến sở/ngành liên quan hướng dẫn.
Muốn tách thửa đất – dân phải chờ đợi mỏi mòn
Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ tại quận 9 cho biết, tìm hiểu Quyết định 60 ông thấy có nhiều điểm thuận lợi hơn so với quy định cũ, như diện tích tách thửa đất tối thiểu nhỏ hơn; gia đình nghèo được ưu tiên hơn… Sau khi cất công tìm hiểu, ông quyết định nộp hồ sơ xin tách thửa để sử dụng cho mục đích của gia đình.
Cùng với một số hộ dân khác, ông Nam vay mượn tiền san lấp mặt bằng, đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất rồi nộp hồ sơ xin tách thửa. Sau hơn một năm chờ đợi, đến nay ông vẫn chưa thể thực hiện việc tách thửa. Ông Nam cho biết do quy hoạch nhiều lô đất đã có cách đây cả chục năm nên đã lỗi thời. Hiện những khu vực này người dân đã xây nhà gần kín, nhưng lại không được coi là khu dân cư hiện hữu.
Những khu đất trên vẫn được xếp vào loại đất ở hiện hữu cải tạo, khu dân cư xây dựng mới… (không có trong khái niệm của Luật Đất đai 2013) nên người dân không được thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình trong đó có việc xin được thực hiện phân lô tách thửa theo Quyết định 60. Thực tế thửa đất của họ đã được chuyển thành đất ở, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Người dân ở nhiều quận/huyện khác cũng gặp khó khăn tương tự khi xin tách thửa, cán bộ thụ lý hồ sơ luôn nói phải chờ các sở/ngành liên quan hướng dẫn, còn việc phải chờ đến khi nào thì… chưa biết!
Theo xác nhận của Phó Chủ tịch UBND phụ trách đô thị của một huyện, việc giải quyết hồ sơ của người dân vẫn còn khó khăn do các hướng dẫn liên quan khá chung chung.
Người dân kiến nghị, đối với các khu vực trước đây đã được phân định trong quy hoạch, bao gồm cả đất ở xây dựng mới và đất ở chỉnh trang, thì sau 5 năm kể từ khi công bố quy hoạch theo quy định phải được coi là đất ở hiện hữu nếu hiện trạng khu đất đã có nhà ở và cư dân sinh sống đúng luật pháp.
Cùng với đó, người dân cũng muốn được công khai các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật; chú trọng kiểm soát chặt công tác phê duyệt cũng như thực hiện thi công đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đồng bộ để không hình thành các “khu ổ chuột” mới. Người dân đề nghị thành phố có hướng giải quyết việc tách thửa đối với “các thửa đất không được coi là đất ở hiện hữu” theo Quyết định 60 để tháo gỡ khó khăn cho dân.
Việc đầu tư hạ tầng tại các khu vực xin tách thửa đất phải được giám
sát chặt chẽ để đảm bảo hạ tầng đồng bộ
Cần khắc phục sớm vướng mắc về quy định tách thửa
Tại cuộc họp với các sở/ngành, quận/huyện về tình hình thực hiện Quyết định 60 cách đây gần 1 năm, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến từng chỉ đạo: “Các quận/huyện cần chủ động trong giải quyết tách thửa cho người dân”. Trong Quyết định 60 cũng nêu rất rõ trách nhiệm của từng sở/ngành, quận/huyện hoặc các đơn vị liên quan là phải ban hành hướng dẫn để triển khai quyết định này.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 60 phải rà soát, báo cáo lãnh đạo UBND TP những thuận lợi, khó khăn để xem xét tháo gỡ cho người dân. Vậy nhưng đến thời điểm này, các cơ quan vẫn chưa thực hiện việc “rà soát”, còn người dân thì tiếp tục chờ.
Về những vướng mắc khi thực hiện Quyết định 60, trao đổi với PV Báo SGGP ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Tp.HCM, cho biết TP ban hành Quyết định 60 là nhằm cho phép giải quyết tách thửa đất để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân (như giải quyết chỗ ở cho con, người thân), chứ không phải là quyết định hướng dẫn thực hiện dự án. Vướng mắc chủ yếu hiện nằm ở chỗ một khu đất ở chia thành nhiều thửa đất nhưng không có hạ tầng sẽ là gánh nặng chung sau này cho TP. “Sắp tới, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ sơ kết đánh giá 1 năm về Quyết định 60 để chỉ ra những điểm được và chưa được”, ông Thắng nói.
Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp Tp.HCM, Quyết định 60 về tách thửa hiện nay có khá nhiều hướng dẫn (Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn về điều kiện hạ tầng, nghiệm thu hệ thống hạ tầng; Sở Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng; Tổng công ty Điện lực TP hướng dẫn cấp điện…). Theo ông Hạnh, nên tập trung về một đầu mối thì sẽ thuận tiện hơn cho cả người dân và chính quyền.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện trạng một số khu dân cư hạ tầng thiếu đồng bộ, nhếch nhác có thể do những hệ lụy trước đây để lại trong quá trình tách thửa theo Quyết định 33 (cũ), do thiếu sự giám sát, thậm chí buông lỏng quản lý. Đã có không ít cán bộ bị kỷ luật, nên hiện nay xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho người dân.
Ông Hạnh cho rằng, không nên phân biệt việc tách thửa để ở hay tách thửa để bán, nêu các yếu tố về mặt kỹ thuật, quy hoạch đều đảm bảo theo quy định thì nên giải quyết cho người dân.
“Trên thực tế, một số người dân sau khi tách thửa chia cho con, số lô đất còn lại họ bán để lo cho gia đình là hoàn toàn chính đáng. Do đó, chúng ta không nên quá máy móc về vấn đề này. Vấn đề là giám sát trong quá trình thực hiện, nếu không đảm bảo hạ tầng hay hạ tầng không kết nối thì không giải quyết; nếu chúng ta sợ hệ lụy, sẽ thiệt hại cho người dân”, ông Hạnh phân tích.