- 12/10/2018
- Danh mục Tin tức
Trước sự gia tăng dân số và những thách thức trong phát triển đô thị mà TPHCM đang gặp phải, GS.KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất TPHCM nên mở rộng thêm về phía tỉnh Long An.
Hội thảo khoa học thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đô thị với 34 tham luận khoa học. Ảnh: M.Q
Chiều 11.10, Thành ủy TPHCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Quản lý đô thị trên địa bàn TPHCM: thực trạng, vấn đề và giải pháp”.
Tại hội thảo, GS.KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, TPHCM là đô thị đặc biệt, đô thị lớn của Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Vì thế, cần có giải pháp nghiên cứu để làm sao TPHCM xứng tầm là đô thị mang tầm quốc tế.
Trong đó, cần gắn TPHCM vào nghiên cứu quy hoạch vùng để gắn kết với nhau rất quan trọng. Hệ thống giao thông công cộng tốt nhất để tạo cho việc đi lại của người dân thuận lợi.
Để quản lý sự phát triển của TPHCM, nhất là vấn đề giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội cần liên kết vùng, phát triển vùng TPHCM. Mở rộng không gian quy hoạch để tạo động lực cho TPHCM phát triển.
Ông Trần Ngọc Chính, đề xuất 2 phương án mở rộng TPHCM. Phương án 1: Chủ yếu mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức, với tổng diện tích khoảng 48.000 -50.000 héc ta, dân số khoảng 37- 42 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 50 km2, từ 2.096 lên 2.146 km2, Long An giảm đi 50 km2.
Phương án 2: Vẫn mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, lấy thêm huyện Cần Đước và một phần huyện Bến Lức với diện tích khoảng 90.000 đến 95.000 ha, dân số khoảng 65-70 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 95 km2, từ 2.096 lên 2.191 km2.
Sau khi mở rộng, TPHCM phát triển theo mô hình tập trung đa cực, khu vực trung tâm là khu nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Trong đó, 3 hướng chính là hướng Đông; hướng Nam; hướng Tây – Tây Nam (vùng đất dự kiến mở rộng) và hướng phụ là hướng Tây – Bắc.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về quy hoạch tổng thể TPHCM, có quy hoạch đô thị khu vực trung tâm, khu vực vệ tinh, giao thông liên kết vùng.
Theo Bí thư Nhân, phát đô thị TPHCM ban đầu theo hướng Đông Bắc là chính, hướng phụ là phía Nam. Đến năm 1998, phát triển thêm hướng Nam, Đông Nam, hướng phụ là Tây Bắc và hướng Tây.
Bí thư Nhân cho rằng đây là vấn đề cần xem xét lại. Vì trong đô thị gắn với xây nhà là xây nhà trên vùng đất cao không xây nhà vùng đất thấp. Trong khi đó, vùng phía Nam thành phố là vùng đất thấp, cho nên việc xây dựng ở phía Nam phải có mật độ vừa phải, phải giữ cho được vùng đất trũng, giữ vùng sinh quyển Cần Giờ.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.
Đối với việc giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong quy hoạch phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn để giảm áp lực dân số từ các vùng trở về TPHCM giảm. Trong đó, TPHCM phải thực hiện chức năng việc chuyển giao ứng dụng công nghệ cho các vùng.
Theo Báo Mới