TPHCM cần đột phá mạnh về phát triển hạ tầng giao thông

TPHCM cần có sự đột phá mạnh mẽ hơn về phát triển hạ tầng giao thông bởi nếu cứ duy trì tốc độ đầu tư, huy động vốn cho giao thông như thời gian qua thì kẹt xe sẽ còn kéo dài hàng chục năm nữa và thậm chí nếu duy trì tốc độ xây dựng đường như lâu nay thì phải mất đến 167 năm nữa thành phố mới đạt chuẩn 10 km đường trên mỗi km2 diện tích đất.

Trên đây là một số nội dung được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 11 diễn ra  ngày 18-8.

Liên quan đến phát triển hạ tầng cho thành phố, ông Nhân cho rằng hiện diện tích đường giao thông của thành phố rất thiếu so với yêu cầu.

So với quy định chung thì mỗi km2 đất phải có 10 km đường nhưng TPHCM hiện chỉ đạt 1,98 km đường, nghĩa là chưa được 20%. Trong 5 năm qua, diện tích đường trên mỗi km2 chỉ tăng từ 1,45 km lên 1,98 km. Với tốc độ xây đường như vậy, để đạt 10 km đường/km2 thì thành phố phải chờ đến 167 năm nữa, ông Nhân tính.

“Chắc là không thể để dài như thế này được. Nếu để đạt chuẩn đường cho giao thông trong 25 năm thì đầu tư cho giao thông phải gấp 7 lần bình quân thời gian qua. Đây là một thách thức rất lớn cho thành phố, đòi hỏi thành phố cần quyết liệt hơn nữa, đột phá cho giao thông…”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo thông tin được TBKTSG Online đăng tải mới đây, TPHCM đang có nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường. Bên cạnh việc cần thêm nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, chính quyền TPHCM đang tăng cường kêu gọi thêm nguồn vốn tư nhân cho các dự án cấp bách.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TPHCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỉ đồng, trong đó khả năng đáp ứng của ngân sách thành phố chỉ khoảng 20%, một lãnh đạo UBND thành phố thông tin.

Trước mắt, trong lĩnh vực giao thông, TPHCM đang cần nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng gồm 8 tuyến metro, 6 tuyến buýt nhanh, đường trên cao, hoàn thiện hạ tầng bến bãi, đường sá, thông suốt các tuyến cao tốc kết nối các trục giao thông Đông Bắc và Tây Nam thành phố …

Trình đề án “thành phố thông minh”

Cũng tại Hội nghị Thành ủy TPHCM ngày 18-8, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã trình Tờ trình về đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Trong tờ trình này, TPHCM nêu ra bốn thách thức gặp phải. Đó là một số dịch vụ không theo kịp nhu cầu của người dân; kinh tế phát triển nhanh nhưng không bền vững; công tác dự báo, xây dựng chiến lược chưa khoa học; chưa đóng góp yêu cầu phát triển kinh tế. Với những thách thức này, chính quyền UBND TPHCM đã đề xuất nhiều giải pháp với các mục tiêu như đảm bảo tốc độ tăng trưởng, hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.

Các mục tiêu nói trên sẽ phục vụ 4 chủ thể của đô thị: đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách có hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

Theo UBND thành phố, việc phát triển đô thị thông minh là cần thiết bởi thành phố là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của cả nước, chiếm 9,1% dân số cả nước (khoảng 8,43 triệu người), đóng góp 28,6% tổng thu năm 2016 của quốc gia, xuất khẩu đạt 18% cả nước, nhưng nếu so với các thành phố lớn trong với khu vực thì TPHCM hiện vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng sống.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp về mô phỏng dự báo phát triển kinh tế, tối ưu hơn và hiệu quả hơn các quyết định của chính quyền thành phố.

Theo Thesaigontimes.vn