50 năm tới BĐS Việt Nam vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

“Thị trường BĐS Việt Nam nếu nhìn đến 40-50 năm tới vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Tóm tắt

Lớn nhất là chúng ta sẽ thu hút được một nguồn vốn FDI dồi dào vào các ngành sản xuất. Song song đó, một số nước khác có khả năng sẽ chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh sang Việt Nam để đạt được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của một nước thành viên khối TPP.

Cho đến thời diểm hiện nay, đầu tư vào BĐS của doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn được coi là không bên nào hơn bên nào. Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong sự “thống lĩnh” của doanh nghiệp trong nước.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM xung quanh câu chuyện thời cơ và thách thức đối với lĩnh vực BĐS một khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thưa ông, cuối cùng các phiên đàm phán TPP cũng đã kết thúc, Việt Nam sẽ trở thành một trong những đối tác quan trọng với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Vậy đâu là cơ hội cho nền kinh tế chúng ta trong sân chơi này?

TPP mở ra một giai đoạn mới về mặt kinh tế của đất nước chúng ta, tạo ra một nền tảng vững chắc khẳng định rằng Việt Nam thực sự bước vào một sân chơi mang tính toàn cầu. Trong đó, chúng ta phải tuân thủ một luật chơi cũng mang tính chuẩn mực toàn cầu, mặc dù vẫn phải chờ sự phê chuẩn của 12 nước thành viên tham gia. Việt Nam hiện là một quốc gia ít ỏi có mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp trên thế giới đang đứng chung hàng với những nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và thứ ba là Nhật Bản. Từ đó, TPP đang tạo ra một vị thế rất to lớn, rất đặc biệt cho nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM

Lớn nhất là chúng ta sẽ thu hút được một nguồn vốn FDI dồi dào vào các ngành sản xuất. Song song đó, một số nước khác có khả năng sẽ chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh sang Việt Nam để đạt được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của một nước thành viên khối TPP.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng một khi đã hội nhập buộc nền kinh tế Việt Nam phải tuân thủ đúng các chuẩn mực về pháp luật, tăng trưởng, minh bạch và cạnh tranh với các nước khác trong khối. Điều này có thể sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi các nước ASEAN, tiến tới đạt được mục tiêu ASEAN +4. TPP buộc chúng ta phải thay đổi, từ tư duy đến cách thể hiện trên thương trường để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới. Đó là một áp lực lớn nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh cao theo các chuẩn mực mới.

Vậy đối với riêng lĩnh vực BĐS thì sẽ có biến chuyển gì, thưa ông?

Đối với ngành BĐS, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều sự điều chỉnh về mặt chính sách, xây dựng hành lang pháp lý ổn định để thị trường phát triển theo hướng bền vững. Quan trọng hơn hết, Chính phủ đang xem xét việc miễn visa cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kể cả thân nhân của họ. Sắp tới, Việt Nam cũng sẽ ban hành Luật Quốc tịch, trong đó tạo điều kiện tốt nhất để người nước ngoài có thể gia nhập quốc tịch Việt Nam theo đúng thông lệ quốc tế. Như vậy, hàng triệu Việt kiều và người nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ quy định mở này và tạo ra một nguồn lực lớn cho thị trường BĐS trong nước thời gian tới.

Trở lại với tác động của TPP, trước hết hội nhập sẽ tạo ra một sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Tuy nhiên, có cạnh tranh mạnh mẽ thì sẽ tạo ra được những sản phẩm nhà ở có chất lượng, tập trung hơn cho khách hàng. BĐS không chỉ là phân khúc nhà ở mà còn phải nói đến phân khúc BĐS công nghiệp, logistics, cơ sở hạ tầng, bán lẻ…

Mở cửa đón TPP, ngày càng có nhiều nhà đầu tư công nghiệp đến Việt Nam đầu tư, do đó nhu cầu về BĐS công nghiệp, khu chế xuất sẽ tiếp tục gia tăng. Từ đó số lượng chuyên gia, đội ngũ lao động có nhu cầu mua nhà ở sẽ tăng lên, từ nhà trung bình đến cao cấp, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng mạnh khi các công ty đa quốc gia đặt cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. BĐS liên quan đến dịch vụ như y tế, trung tâm thương mại, casino, trường học cũng sẽ phát triển tốt vì nhu cầu luôn cao…

Qua tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới, họ đều có chung một nhận định rằng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và tại Tp.HCM nói riêng còn dư địa cực kỳ lớn, giá trị gia tăng cao. Do vậy, nếu tính đến 50 năm tới, BĐS Việt Nam sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, dòng vốn ngoại ngày một “chảy” mạnh vào đất nước, trong khi đội ngũ nhà đầu tư BĐS nội địa chưa vững mạnh. Ông có cho rằng TPP sẽ gây ra một hiện tượng “thâu tóm” mạnh mẽ không?

Sau khi thoát khỏi đáy khủng hoảng của thị trường những năm trước, chúng ta đã thấy xuất hiện trên thị trường nhiều nhà đầu tư BĐS nội địa có năng lực thực sự, những nhân tố mới có trình độ và đẳng cấp cao hơn. Cho đến thời diểm hiện nay, đầu tư vào BĐS của doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn được coi là không bên nào hơn bên nào. Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong sự “thống lĩnh” của doanh nghiệp trong nước.

Còn trên thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A), các nhà đầu tư BĐS trong nước vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường chứ không phải là các nhà đầu tư nước ngoài. Phần lớn trong các thương vụ hợp tác, doanh nghiệp BĐS Việt vẫn giữ ưu thế về vốn và điều hành. Đặc biệt, các sản phẩm BĐS bán ra thị trường thời gian qua đã đạt được đẳng cấp quốc tế, quy hoạch bài bản, chăm chút đến lợi ích, không giang sống của từng khách hàng. Đó là tính bền vững của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, tạo nền tảng cạnh tranh mạnh trong các cuộc chơi mới.

Gia nhập TPP, doanh nghiệp BĐS nội cần đạt được 3 tiêu chí quan trọng là năng xuất, chất lượng và hiệu quả. Còn nếu không có nghĩa là chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, thậm chí còn bị triệt tiêu. Một khi đã gia nhập sân chơi TPP, doanh nghiệp Việt buộc phải đáp ứng các điều kiện khắc khe, nên phải nỗ lực rất lớn để gia tăng tính cạnh tranh. Vấn đề đặt ra lúc này là hiệu quả từ quá trình hợp tác để hướng đến mục tiêu chung là tạo ra các sản phẩm nhà ở chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ